Đặt tiền bảo đảm để tại ngoại, thì khi nào được trả lại?
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Đặt tiền để bảo đảm là một biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 và Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thể quyết định cho chính bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ được đặt tiền để bảo đảm.
Những bị can, bị cáo được cơ quan tố tụng chấp thuận đặt tiền để bảo đảm, thì phải làm giấy cam đoan thực hiện các nhiệm vụ như: Có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, không mua chuộc cưỡng ép xúi giục người khác khai báo gian dối hoặc cản trở các hoạt động điều tra truy tố xét xử khác.
Bên cạnh đó, người thân thích của bị can, bị cáo được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ.
Cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ hành vi phạm tội có bà Nguyễn Phương Hằng, cùng những điều kiện cụ thể về thay đổi biện pháp ngăn chặn mà pháp luật tố tụng hình sự quy định, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đặt tiền bảo đảm của bị can, bị cáo hoặc người thân thích của bị can, bị cáo.
Trường hợp nếu đã đặt tiền bảo đảm nhưng bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 2, Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì sẽ bị tạm giam trở lại và số tiền đã đặt bảo đảm cho bị can, bị cáo sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Khi bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện Kiểm sát, Toà án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt bảo đảm; đối với người thân thích của bị can, bị cáo được cơ quan tố tụng chấp nhận cho đặt tiền nếu để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ thì số tiền đặt bảo đảm sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước, khi hoàn thành nghĩa vụ không vi phạm quy định đã cam đoan thì được hoàn trả lại số tiền theo quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Quy định về loại tiền và mức tiền được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018, tiền đặt để bảo đảm là Việt Nam đồng, thuộc sở hữu hợp pháp của bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thủ tục trả lại tiền đặt để bảo đảm xin tại ngoại tại Kho bạc nhà nước, quy định Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị trả lại tiền đã đặt để bảo đảm; Bản photo chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; Quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm; Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi.
Sau khi trả lại tiền đã đặt để bảo đảm, Kho bạc Nhà nước lưu 01 liên Giấy rúttiền mặt từ tài khoản tiền gửi và chuyển 01 liên Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi cho đơn vị mở tài khoản tạm giữ. Đơn vị mở tài khoản tạm giữ sẽ rà soát, tổng hợp gửi cho cơ quan đã ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm để đơn vị này lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì sau khi nhận được 01 liên Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi, Viện kiểm sát chuyển ngay cho Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án để lưu vào hồ sơ.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338