Quyền gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam của luật sư được quy định ra sao?
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Để đảm bảo quyền con người, quyền bào chữa của người bị buộc tội được đề cao, pháp luật cho phép người bị buộc tội và người thân thích của người bị buộc tội có quyền nhờ người bào chữa, quyền nhờ người bào chữa còn được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là Hiến pháp, cụ thể khoản 4 Ðiều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
Tại Ðiều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Khoản 1 Ðiều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định người bào chữa có quyền: Gặp, hỏi người bị buộc tội; Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
Khoản 3 Ðiều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cũng quy định người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.
Ðiều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT ngày 23/01/2018 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - TAND tối cao - Viện KSND tối cao quy định khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật; Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát...
Đặc biệt, tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Theo đó, để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tư 46/2019/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 02/12/2019 của Bộ Công an hướng dẫn Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Cụ thể tại Điều 12 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh.
Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.
Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338