Quy định về ân giảm án tử hình
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Câu hỏi bạn đọc: Luật sư cho hỏi căn cứ pháp luật để người bị tuyên án tử hình được ân giảm và ai là người có thẩm quyền ân giảm án tử hình?
Giải đáp của luật sư: Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định.
Theo quy định về tội danh và hình phạt của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có 18 tội phạm áp dụng hình phạt tử hình ở Việt Nam bao gồm: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội bạo loạn (Điều 112); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội giết người (Điều 123); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội khủng bố (Điều 299); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Tội chống loài người (Điều 422); Tội phạm chiến tranh (Điều 423). Tuy nhiên phổ biến nhất là các tội phạm như giết người, tội phạm ma tuý là những tội phạm có nhiều án tử hình nhất.
Ân giảm án tử hình là thẩm quyền của Chủ tịch nước giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật xuống tù chung thân theo quy định của pháp luật, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với những người phạm đội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho những người này khả năng ăn năn hối cải, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác thì bản án tử hình được thi hành.
Tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước; Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.
Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự 2015 thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án. Như vậy, người bị kết án tử hình có thể làm đơn xin ân giảm án tử hình và được ân giảm án tử hình nếu Chủ tịch nước chấp thuận.
Quy định trên thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta. Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.
Mẫu đơn xin ân giảm án tử hình:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------
…...., ngày….. tháng….. năm…....
ĐƠN XIN ÂN GIẢM ÁN TỬ HÌNH
- Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
- Căn cứ Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “Thi hành Bản án và quyết định của Tòa án” của Bộ Luật tố tụng hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Kính gửi: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kính thưa ngài chủ tịch!
Tên tôi là:…… Giới tính:…….
CCCD số:…… Ngày cấp:……. Nơi cấp:…….
Ngày sinh:……
Địa chỉ thường trú:…….
Là:…….
Lý do xin ân giảm:........
Vì những lý do trên, tôi làm đơn này kính mong Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét, chấp nhận đơn xin ân giảm của tôi, để Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
NGƯỜI LÀM ĐƠN (Kí và ghi rõ họ tên) |
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338