Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Căn cứ theo Điều 244 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về việc chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.
1. Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
Theo Điều 276 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Theo đó, khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý:
- Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;
- Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và đưa vào hồ sơ vụ án. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.
2. Quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
- Đưa vụ án ra xét xử;
- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
- Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
3. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
Tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Theo đó, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
- Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
- Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm;
- Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
- Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó. Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338