Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Hòa giải tại cộng đồng là một trong những biện pháp giám sát giáo dục trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Việc quy định cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thể hiện nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định này nhằm mục đích để người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích quy định về "Hòa giải tại cộng đồng" đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều kiện áp dụng:
Hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này cần nghiên cứu, tuân thủ quy định về điều kiện áp dụng chung quy định tại khoản 2 Điều 91 và Điều 92 Bộ luật Hình sự năm và điều kiện riêng quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự nămnăm 2015.
Điều kiện chung: Để có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục, người dưới 18 tuổi phạm tội phải đáp ứng các điều kiện
- Đối tượng là, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng trừ các tội quy định tại các Điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật Hình sự năm năm 2015. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015) trừ các tội quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251, 252 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
- Tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
- Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nói chung).
- Phải có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Điều kiện riêng: Đối với biện pháp Hòa giải tại cộng đồng, điều kiện riêng quy định tại Điều 94 về chủ thể cũng chính là điều kiện chung được quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS.
Trình tự, thủ tục áp dụng:
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp Hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 428 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Theo đó, khi thấy có đủ điều kiện, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Hội đồng xét xử sẽ quyết định về việc áp dụng biện pháp này. Quyết định phải bảo đảm đúng, đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 428 và được giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ, người bị hại, đại diện của bị hại và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức việc hòa giải chậm nhất 03 ngày trước ngày hòa giải.
Khi hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và phải lập biên bản, biên bản được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
Nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng:
Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
- Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
- Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
- Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng bao gồm cả nghĩa vụ của người bị khiển trách; nghĩa vụ thêm đối với người bị áp dụng hòa giải tại cộng đồng là xin lỗi bị hại và bồi thường thiệt hại.
Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338