Ly hôn với người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cho phép vợ chồng được thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên - tức ly hôn đơn phương. Bên yêu cầu ly hôn có thể thỏa thuận với người vợ đang bị tạm giam để thực hiện ly hôn thuận tình, trường hợp không đồng ý thì có quyền làm thủ tục ly hôn đơn phương. Pháp luật cũng không hạn chế quyền ly hôn đơn phương với người đang bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
1. Thủ tục ly hôn với người đang tạm giam, chấp hành án phạt tù được thực hiện như sau:
Hồ sơ ly hôn đơn phương:
- Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- CCCD, Chứng minh thư nhân dân của vợ hoặc chồng (bản sao chứng thực)
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực) (nếu đã có con);
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; Sổ tiết kiệm; Giấy đăng ký xe… (bản sao chứng thực);
- Giấy xác nhận bên phía trại tạm giam, trại giam về việc chồng/vợ bạn đang thụ lý án tại trại giam hoặc hoặc quyết định tạm giam của cơ quan có thẩm quyền hoặc sổ thăm phạm, bản án hình sự của tòa án (trường hợp chấp hành án phạt tù).
2. Trình tự thực hiện ly hôn đơn phương với người đang tạm giam, chấp hành án phạt tù
Bước 1: Nguyên đơn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ đã nêu trên.
Bước 2: Nguyên đơn nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn ly hôn của vợ (hoặc chồng) và sau đó ủy thác cho Tòa án địa phương nơi có trại tạm giam, trại giam mà người chồng (hoặc vợ) đang bị tạm giam, đang thi hành án để lấy lời khai, ý kiến của người này.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nộp 01 bộ hồ sơ đầy đủ tới tòa án, nguyên đơn có quyền nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn. Sau đó, nguyên đơn thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn.
Bước 4: Nguyên đơn có mặt tại các phiên làm việc như: Phiên họp thu thập tài liệu, chứng cứ, Phiên hòa giải, Phiên tòa xét xử.
Theo sự thông báo và hướng dẫn của tòa án, nguyên đơn có nghĩa vụ có mặt tại các phiên làm việc theo quy định khi tòa án giải quyết vụ án ly hôn. Nếu nguyên đơn không có mặt đúng theo sự triệu tập của Tòa án, vụ án ly hôn có thể bị đình chỉ giải quyết.
Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương. Do một bên vợ, chồng đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù trong trại giam. Vì vậy, không thể có mặt tại phiên tòa khi giải quyết cũng không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này. Vì vậy, tòa án sẽ tiến hành xét xử ly hôn vắng mặt theo thủ tục chung và ra bản án ly hôn.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338