Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Theo quy định thì quan hệ mượn tài sản được hình thành kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Sau khi các bên thỏa thuận xong nội dung cơ bản của hợp đồng nhưng chưa chuyển giao tài sản, không thể bắt buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Trong hợp đồng mượn tài sản, bên cho mượn chuyển giao tài sản của mình cho bên kia sử dụng trong một thời hạn theo thỏa thuận mà không nhận được sự đền bù nào từ bên mượn tài sản.
Tại Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên mượn tài sản. Theo đó, bên mượn tài sản có những nghĩa vụ sau đây:
Thứ nhất, giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
Thứ hai, không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
Thứ ba, trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
Thứ tư, bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
Thứ năm, bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
Nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản được thể hiện ở việc sử dụng tài sản đúng mục đích, công dụng của tài sản; đảm bảo nguyên vẹn tình trạng, chất lượng tài sản như khi mượn. Việc sử dụng tài sản không đúng mục đích, công dung của tài sản làm ảnh hưởng đến chất lượng của tài sản, khiến cho tài sản bị hư hỏng, mất mát. Bên mượn phải ý thức được tài sản mượn cũng như tài sản của mình. Việc khai thác, sử dụng tài sản mà làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị của tài sản thì không được thực hiện.
Tình trạng của tài sản được xác định dựa trên trạng thái bên ngoài và chất lượng bên trong. Trong thời hạn mượn tài sản, bên mượn không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản nếu bên cho mượn không đồng ý. Quy định này, phù hợp với quy định trên về việc bảo quản, giữ gìn tài sản. Nếu được bên cho mượn đồng ý, thì bên mượn có thể thay đổi tình trạng của tài sản, nhưng phải đảm bảo việc thay đổi không làm ảnh hưởng đến tính chất, chủng loại của tài sản.
Hư hỏng thông thường là những hư hỏng phổ biến có thể xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản. Vì vậy, khi khai thác, sử dụng tài sản mượn mà xảy ra những lỗi này thì bên mượn có nghĩa vụ phải sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Pháp luật quy định nghĩa vụ này nhằm buộc bên mượn phải nghiêm túc thực hiện việc bảo quản, giữ gìn tài sản.
Chỉ được chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản, họ là chủ thể trực tiếp khai thác, sử dụng tài sản. Mà việc cho mượn lại tài sản là quyền định đoạt tài sản mà chỉ có chủ sở hữu mới được thực hiện. Do đó, bên mượn không được cho người khác mượn nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn tài sản. Quy định này nhằm hạn chế việc chuyển giao quyền sử dụng cho bất kỳ người thứ ba nào khác nằm ngoài ý chí của bên cho mượn tài sản. Như vậy, bên cho mượn tài sản có thể gián tiếp quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản của mình.
Thời hạn trả lại tài sản được các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng. Theo đó, bên mượn có nghĩa vụ trả lại tài sản đúng thời hạn theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, thì thời hạn trả tài sản được xác định là khi mục đích sử dụng tài sản đã hoàn thành, bên mượn phải trả lại tài sản cho bên có tài sản cho mượn.
Bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất, hư hỏng phát sinh trong thời hạn mượn tài sản. Vì trong thời hạn mượn tài sản, bên mượn là chủ thể trực tiếp chiếm giữ, sử dụng tài sản, họ có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản như tài sản của mình. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của bên mượn khi không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dẫn đến tài sản bị mất, hư hỏng.
Phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời hạn chậm trả tài sản, khi mượn tài sản các bên đã thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản, nếu không thỏa thuận thì theo quy định của pháp luật thời hạn trả tài sản là ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích sử dụng tài sản. Tuy nhiên, bên mượn đã vi phạm nghĩa vụ, không trả lại tài sản đã mượn, đây là lỗi của bên mượn, vì thế họ phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời hạn này. Theo đó, trong thời hạn chậm trả nếu tài sản bị mất, hư hỏng thì bên mượn phải bồi thường thiệt hại cho bên có tài sản.
Điều 496. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338