Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích quy định về "Thời hiệu thi hành bản án" tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người phạm tội cũng như đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung định nghĩa khái niệm thời hiệu thi hành bản án hình sự. Thông thường bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành ngay nhằm mục đích trừng trị, giáo dục chủ thể bị kết án và ngăn ngừa phạm tội mới. Nhưng trên thực tế có trường hợp vì lý do nào đó bản án có hiệu lực pháp luật không được thi hành mà “bị bỏ quên” và sau đó mới được phát hiện.
Trong đó có thể có trường hợp, sau một thời gian nhất định, chủ thể bị kết án tuy không bị buộc phải chấp hành bản án đã tuyên nhưng có thể đã tự giáo dục, cải tạo, sống theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội. Trong trường hợp này, việc buộc chủ thể bị kết án phải thi hành bản án có hiệu lực pháp luật “bị bỏ quên” có thể không còn cần thiết và không còn ý nghĩa.
Từ đó vấn đề được đặt ra, bản án có hiệu lực pháp luật “bị bỏ quên” nào và đến thời điểm nào mà chủ thể bị kết tội không bị buộc phải chấp hành? Đây là vấn đề cần giải quyết của chế định thời hiệu thi hành bản án. Theo đó, khoản 1 của điều luật xác định, thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó chủ thể bị kết án (người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án) không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Thời hiệu thi hành bản án trước hết được hiểu là thời hạn do BLHS quy định mà trong thời hạn đó mới có thể buộc chủ thể bị kết án phải chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật đã tuyên. Thời hạn này cũng có thể được gọi là thời hạn bản án có hiệu lực thi hành.
Xét về hình thức, thời hiệu thi hành bản án là giới hạn thời gian của việc thi hành bản án đã tuyên. Đối với Nhà nước mà trực tiếp là cơ quan có thẩm quyền thi hành án hình sự, thời hạn này là giới hạn thời gian được thực hiện quyền thi hành bản án đã tuyên.
Đối với chủ thể bị kết án thì đây là khoảng thời gian mà ở bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian đó đều có thể bị buộc phải chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật đã tuyên. Hay nói cách khác, đó là khoảng thời gian phải thực hiện nghĩa vụ chấp hành bản án đã tuyên của chủ thể bị kết án.
Xét về nội dung, thời hiệu thi hành bản án là thời hạn có ý nghĩa đối với việc thi hành bản án đã tuyên. Trong thời hạn đó, việc thi hành bản án đối với chủ thể bị kết án mới có thể phát huy tác dụng trừng trị, giáo dục chủ thể bị kết án và ngăn ngừa chủ thể này phạm tội mới.
Khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định các thời hạn cụ thể mà ngoài thời hạn đó, bản án hình sự không còn hiệu lực thi hành đối với người bị kết án. Các thời hạn được xác định ở đây là 05 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Các thời hạn này đều gắn với loại và mức hình phạt được áp dụng cho người phạm tội. Cụ thể, thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định đối với người bị kết án như sau:
- 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống,
- 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
- 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
- 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, loại và mức hình phạt (chính) đã tuyên trong bản án hình sự là căn cứ xác định thời hiệu thi hành bản án. Nếu bản án có sự tổng hợp hình phạt của nhiều tội thì căn cứ để tính thời hiệu ở đây là hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất đã được tổng hợp.
Trong trường hợp bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì căn cứ vào mức hình phạt trong mỗi bản án cụ thể để tính thời hiệu thi hành mỗi bản án hình sự cụ thể đó mà không phải căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung. Còn trong bản án có nhiều người bị kết án thì căn cứ vào mức hình phạt đối với từng người cụ thể để tính thời hiệu thi hành bản án đối với họ.
Khoản 3 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định thời hạn cụ thể mà ngoài thời hạn đó, bản án hình sự không còn hiệu lực thi hành đối với pháp nhân thương mại bị kết án. Theo đó, thời hạn được quy định chung cho mọi trường hợp là 05 năm. Đây là điểm khác biệt căn bản trong quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại so với quy định về thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án.
Khoản 4 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cách tính thời hạn được xác định theo khoản 2, khoản 3. Theo đó, thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã tuyên đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án. Nếu trong thời hạn của thời hiệu, người bị kết án thực hiện hành vi phạm tội mới hoặc pháp nhân thương mại bị kết án phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mới thì thời hiệu phải được tính lại từ ngày hành vi phạm tội mới được thực hiện.
Khoản 5 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cách tính thời hạn được xác định theo khoản 2 đối với trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã. Theo đó, nếu trong thời hạn của thời hiệu người bị kết án cố tình trốn tránh (như cố tình giấu địa chỉ ẩn náu hoặc trốn đi nước ngoài… làm cho cơ quan thi hành án không biết họ ở đâu) và đã có lệnh truy nã thì thời hiệu được tính lại kể từ ngày họ ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Cách tính này (theo khoản 5) giống như cách tính theo khoản 4 vì đều được tính lại từ đầu, trong khi 02 khoản này quy định về 02 trường hợp có sự khác nhau. Quy định thời hiệu thi hành bản án phải được tính lại từ đầu là hoàn toàn phù hợp với trường hợp được quy định tại khoản 4 “thực hiện hành vi phạm tội mới” nhưng chưa phù hợp với trường hợp được quy định tại khoản 5.
Trường hợp được quy định tại khoản 5 cần được coi là trường hợp thời hiệu bị gián đoạn (thời hiệu tạm thời bị dừng - thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu được tính tiếp kể từ ngày người bị kết án ra trình diện hoặc bị bắt giữ). Khoản 3 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có sự phân biệt giữa 02 trường hợp này qua việc xác định “thời gian không được tính”. Cụ thể: Đối với trường hợp “phạm tội mới”, “thời gian không được tính là thời gian đã qua” còn đối với trường hợp “cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã”, “thời gian không được tính” chỉ là “thời gian trốn tránh”.
Điều 60. Thời hiệu thi hành bản án
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338