Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Khách thể của Tội cản trở việc thi hành án xâm phạm việc thi hành đúng bản án, quyết định của Tòa án; quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo bản án, quyết định của Tòa. Đối tượng tác động của tội phạm này là những người có trách nhiệm thi hành án như: người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án hoặc người phải thi hành án. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội cản trở việc thi hành án quy định tại Điều 381 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội cản trở việc thi hành án phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ, quyền hạn có thể là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc thi hành án, nhưng cũng có cả những người không liên quan gì đến việc thi hành án, nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cản trở việc thi hành án.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXIV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội cản trở việc thi hành án là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội cản trở việc thi hành án xâm phạm việc thi hành đúng bản án, quyết định của Tòa án; quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo bản án, quyết định của Tòa. Đối tượng tác động của tội phạm này là những người có trách nhiệm thi hành án như: người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án hoặc người phải thi hành án.
Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có nhằm làm cho việc thi hành án không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng với bản án hoặc quyết định của Toà án.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm Tội cản trở việc thi hành án thực hiện hành vi phạm tội của mình với cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là biết rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật nhằm cản trở việc thi hành án, mong muốn cho hậu quả hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, dù người phạm tội với động cơ nào đi nữa thì hành vi cản trở việc thi hành án đều đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, động cơ của người phạm tội chủ yếu là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Mặt khách quan của tội phạm:
Cản trở việc hành án là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm cho việc thi hành án không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng với bản án hoặc quyết định của Toà án. Cản trở việc thi hành án cũng tức là không muốn bản án hoặc quyết định của Toà án được thi hành.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án.
Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà họ có để tác động đến người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án hoặc tác động đến người phải chấp hành án để việc thi hành án không được thực hiện. Nếu người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cản trở việc thi hành án thì không phải là hành vi phạm tội cản trở việc thi hành án.
Bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, người phạm tội có thể dùng những thủ đoạn khác nhau để tác động đến người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án hoặc tác động đến người phải chấp hành án làm cho việc thi hành án không được thực hiện như: gọi điện, viết thư cho người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án tạm dừng việc ra quyết định hoặc tạm dừng việc thi hành quyết định, hoặc tác động đến người phải chấp hành án; tạo điều kiện cho người phải chấp hành án bỏ đi khỏi địa phương như đi công tác học tập ở nước ngoài dài hạn; chống đối lực lượng thi hành án trước khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thi hành án, hoặc có những hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành án...
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tội phạm quy định có 04 hậu quả có thể xảy ra như sau:
(1) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
(2) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
(3) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
(4) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng trở lên.
Tội phạm hoàn thành khi có một trong 04 hậu quả kể trên xảy ra, giữa hậu qảu kể trên và hành vi khách quan của tội phạm phải có quan hệ nhân quả. Hậu quả xảy ra xuất phát từ nguyên nhân do thực hiện hành vi khách quan của tội phạm.
Hình phạt:
- Khoản 1. Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2. Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
- Khoản 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 381. Tội cản trở việc thi hành án
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
b) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338