Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội không thi hành án xâm phạm trực tiếp đến hoạt động tư pháp, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và người được thi hành án. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội không thi hành án quy định tại Điều 379 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội không thi hành án là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong việc ra quyết định thi hành án hoặc trong việc thi hành quyết định thi hành án mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Cụ thể:
Người có thẩm quyền trong việc ra quyết định thi hành án bao gồm: Chánh án Toà án hoặc phó chánh án được Chánh án uỷ quyền đã ra bản án hoặc quyết định sơ thẩm hình sự; Chánh án Toà án được uỷ thác thi hành bản án, quyết định hình sự; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; những người khác theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Người có thẩm quyền có nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án bao gồm: (1) Cán bộ, chiễn sĩ Công an có nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án đối với các bản án, quyết định hình sự đối với hình phạt trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia Hội đồng thi hành hình phạt tử hình; (2) Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân trong các đơn vị có nhiệm vụ thi hành án, đối với các bản án, quyết định hình sự đối với hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia Hội đồng thi hành hình phạt tử hình; (3) Cán bộ chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có nhiệm vụ thi hành hình phạt quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và theo dõi, giáo dục, giám sát việc cải tạo của những người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ; (4) Cán bộ trong các cơ sở chuyên khoa y tế có nhiệm vụ thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh; (5) Thủ trưởng, phó thủ trưởng, Chấp hành viên trong các cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự, vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXIV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội không thi hành án là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Tội không thi hành án xâm phạm trực tiếp đến hoạt động tư pháp, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và người được thi hành án. Đối tượng tác động của tội phạm này cũng là các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành bản án, quyết định của Toà án.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm Tội không thi hành án thực hiện hành vi phạm tội của mình với lỗi cố ý, điều này thể hiện ngay trong điều văn của điều luật cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành án. Động cơ tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, dù người phạm tội với động cơ nào đi nữa thì hành vi cố ý không hành án đều đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, động cơ của người phạm tội chủ yếu là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Nếu người phạm tội nhận hối lộ mà không thi hành án thì ngoài tội không thi hành án, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi thuộc mặt khách quan của Tội không thi hành án là hành vi không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Không thi hành án là hành vi cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Toà án.
Bản án của Toà án là một văn bản tố tụng do Thẩm phán, Hội thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành nhằm ghi nhận kết quả xét xử đối với vụ án hoặc vụ việc cụ thể.
Quyết định của Toà án cũng là một văn bản tố tụng có thể Hội đồng xét xử ban hành nhưng cũng có thể chỉ do một Thẩm phán ban hành như: quyết định hoà giải thành, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định kê biên tài sản, quyết định thi hành án phạt tù, quyết định bắt buộc chữa bệnh.v.v…
Không ra quyết định thi hành án là hành vi của người có thẩm quyền trong việc ra quyết định thi hành án nhưng đã không ra quyết định thi hành, và do không ra quyết định thi hành án nên bản án hoặc quyết định của Toà án không được thi hành.
Không thi hành quyết định thi hành án là hành vi của người có thẩm quyền trong việc thi hành án nhưng đã không thi hành.
Tuy nhiên không phải mọi trường hợp người thực hiện hành vi không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án đều phạm tội này.
Người thực hiện hành vi trên chỉ bị coi là phạm tội khi thuộc một trong những trường hợp sau:
(1) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
(2) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
(3) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
(4) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng trở lên.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan thuộc một trong 4 trường hợp nêu trên.
Hình phạt:
- Khoản 1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 3. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Khoản 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 379. Tội không thi hành án
1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
c) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
d) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338