Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khách thể của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Đối với Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Trước hết, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Do đó, người có chức chức vụ, quyền hạn phải đang trong khi thi hành công vụ. Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn nhưng không trong thời gian thực hiện công vụ thì không phạm tội này, tùy từng trường hợp sẽ được định tội danh tương ứng.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này những thiệt hại thực tế xảy ra của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.
Mục đích của tội phạm được xác định ngay tại điếu văn của Điều 356 Bộ luật Hình sự: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Động cơ vụ lợi là vì lợi ích vật chất của mình, của đơn vị mình hoặc của một tổ chức mà mình tham gia... Nói chung, thực tiễn xét xử việc xác định động cơ vụ lợi không khó, nhưng khó nhất vẫn là việc xác định động cơ cá nhân khác của người phạm tội. Động cơ cá nhân khác là vì lợi ích phi vật chất của mình, của người khác mà mình quan tâm như: vì nể nang, vì cảm tình cá nhân, vì danh vọng, địa vị xã hội...
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện công vụ được giao và họ đã không thực hiện, không thực hiện kịp thời, không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không đúng với yêu cầu của công vụ. Tất cả các biểu hiện này đều được coi là làm trái công vụ nhưng vẫn trong phạm vi quyền hạn của chủ thể. Quy định về công vụ có thể tồn tại trong các quy định của pháp luật, nội quy, chế độ, thể lệ của ngành hoặc địa phương. Hành vi làm trái của chủ thể có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 2 hành vi song song là "hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn" và "hành vi gây thiệt hại".
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra. Nếu không sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì không thực hiện được hành vi để đạt được mục đích của mình.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng.
Hành vi thứ hai của tội này là "hành vi gây thiệt hại". Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là thiệt hại khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thiệt hại khác ở đây không phải thiệt hại về vật chất, nó có thể là thiệt hại phi vật chất như danh dự, uy tín hoặc làm xáo trộn hoạt động bình thường của nhà nước, tổ chức, cá nhân,...
Như vậy, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể của tội này thì dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm phải thỏa mãn 2 điều kiện cơ bản: (1) Chủ thể đó phải thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ; (2) Việc thực hiện hành vi đó phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mà luật hình sự đã quy định. Chính vì vậy, hậu quả xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hơn thế nữa, mức độ của hậu quả xảy ra còn có ý nghĩa trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để từ đó lượng hình phù hợp.
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Đây là loại tội phạm mà hậu quả nguy hiểm của nó rất đa dạng. Nó có thể là những thiệt hại có tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người... Trong trường hợp chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xem xét xử lý hành chính. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, tội phạm hoàn thành khi hậu quả gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
- Khoản 4: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338