Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý tần số vô tuyến điện của Nhà nước và gây hại đối với an toàn công cộng về cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 293 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm không phải chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.
Khách thể của tội phạm:
Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý tần số vô tuyến điện của Nhà nước và gây hại đối với an toàn công cộng về cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với lỗi cố ý. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả của tội phạm nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả của nó xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.
Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, Tần số vô tuyến điện là tần số của sóng vô tuyến điện.
Sóng vô tuyến điện là sóng điện từ có tần số thấp hơn 3000 gigahéc (GHz) truyền lan tự do trong không gian, không có dẫn sóng nhân tạo.
Sử dụng trái phép là hành vi của người phạm tội đã dùng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích cá nhân khác. Hành vi này gây hại nghiêm trọng đến trật tự công công, công tác cấp cứu, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và tình hình quốc phòng an ninh.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, trường hợp khẩn cấp sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện: Trong trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tạm thời tần số và thiết bị vô tuyến điện chưa được cấp giấy phép để phục vụ cho việc gọi cấp cứu và phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện; Tổ chức, cá nhân sử dụng đài vô tuyến điện gửi thông tin, tín hiệu cấp cứu được phát sóng để thu hút sự chú ý ở cả tần số vô tuyến điện không dành riêng cho gọi cứu nạn; Tổ chức, cá nhân sử dụng đài vô tuyến điện nhận được thông tin, tín hiệu cấp cứu phải lắng nghe trên tần số vô tuyến điện phát gọi cấp cứu, trả lời và thực hiện ngay mọi hỗ trợ cần thiết, đồng thời thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn.”
Đối với tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, việc quy định sử dụng những tần số này phải tuân theo quy định của một số Bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Đó là gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 293. Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh
1. Người nào sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338