Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khách thể của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật Hình sự. Như vậy chủ thể của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của tội phạm dù muốn hay không mong muốn nhưng vẫn thực hiện hành vi khách quan đó.
Trong đó, yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.
Mặt khách quan của tội phạm:
Điều 348 Bộ luật Hình sự quy định 02 tội phạm riêng biệt là tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh và tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Trong đó, Tổ chức, môi giới người khác xuất, nhập cảnh trái phép là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy người khác đi qua biên giới Việt Nam trái phép; Tổ chức, môi giới người khác ở lại Việt Nam trái phép là hành vi chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy người khác ở lại Việt Nam trái quy định của pháp luật Việt Nam.
Hành vi khách quan của tội phạm gồm hành vi tổ chức, hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và hành vi tổ chức, mô giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Tổ chức là chủ mưu, cầm đầu, vạch kế hoạch cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép,
Môi giới là hành vi giới thiệu, làm chung gian giữa người xuất, nhập cảnh trái phép; người ở lại Việt Nam trái phép với người tổ chức việc xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép.
Theo quy định của công văn 1557/VKSTC-V1 của Viện kiểm sát tối cao về việc hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới.
Điều 348 Bộ luật Hình sự quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau như tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội.
Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam, tức hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép, thì xem xét xử lý về Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan xảy ra.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Khoản 3. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338