Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội trốn tránh nhiệm vụ trực tiếp xâm phạm chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm phục vụ trong Quân đội của quân nhân, xâm phạm kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội trốn tránh nhiệm vụ quy định tại Điều 403 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội trốn tránh nhiệm vụ là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm. Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội trốn tránh nhiệm vụ là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Tội trốn tránh nhiệm vụ trực tiếp xâm phạm chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm phục vụ trong Quân đội của quân nhân, xâm phạm kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Như vậy, khách thể của tội phạm là chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm phục vụ trong Quân đội của quân nhân; kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra và có ý thức thực hiện hành vi đó. Trong tội này, mục đích là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Mục đích của người phạm tội là nhằm trốn tránh nhiệm vụ trước mắt hoặc lâu dài.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi thuộc mặt khách quan của Tội trốn tránh nhiệm vụ bao gồm 03 hành vi: Tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của mình hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ.
Tự gây thương tích là hành vi cố ý tạo ra cho mình những thương tích nhất định nhằm trốn tránh nhiệm vụ. Hành vi gây thương tích ở đây giống như hành vi gây thương tích trong Tội cố ý gây thương tích... quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ trong Tội trốn tránh nhiệm vụ, hành vi của người phạm tội đã gây thương tích cho chính bản thân mình chứ không phải cho người khác.
Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của bản thân mình làm cho mình bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc... Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho ban thân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho họ bị chết.
Tự gây tổn hại cho sức khoẻ là hành vi cố ý tạo ra sự tổn hại, làm suy giảm sức khoẻ của bản thân để không phải thực hiện nhiệm vụ vì không đủ khả năng (sức khoẻ). Hành vi này có thể được thực hiện bằng các phương pháp, thủ đoạn khác nhau: nhịn ăn, uống hoá chất... làm cho sức khoẻ giảm sút.
Dùng thủ đoạn gian dối khác nhằm trốn tránh nhiệm vụ là hành vi tạo ra các lý do không có thật (như: giả ốm đau, bệnh tật, bịa ra hoàn cảnh gia đình khó khăn, tạo ra điện báo, thư giả...) để được người chỉ huy cho phép không phải thực hiện nhiệm vụ.
Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của mình hoặc tạo ra các lý do không có thật để trốn tránh nhiệm vụ. Tính chất, mức độ thương tích, tổn hại sức khoẻ cũng như phương tiện hay thủ đoạn phạm tội không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt.
Hình phạt:
- Khoản 1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Khoản 2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 3. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Điều 403. Tội trốn tránh nhiệm vụ
1. Người nào tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của mình hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Trong thời chiến;
d) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
đ) Trong tình trạng khẩn cấp;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338