Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Khách thể của Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là trật tự quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Nhà nước và trật tự, an toàn công cộng. Đối tượng tác động của tội phạm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 307 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Người có trách nhiệm ở đây là do tính chất nghề nghiệp mà có như: thủ kho, lái xe, người áp tải…
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là trật tự quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Nhà nước và trật tự, an toàn công cộng. Đối tượng tác động của tội phạm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là do vô ý, có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý vì quá chủ quan: (1) Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; (2) Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Có một trong các hành vi sau:
- Vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ.
- Vi phạm quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Vi phạm quy định vể bảo quản, lưu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Vi phạm quy định về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Vi phạm quy định về mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy là hành vi của người có trách nhiệm trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng họ không làm hoặc làm không đúng các quy định được đặt ra gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan như Nghị định 71/2018/NĐ-CP ngày ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Thông tư 16/2018/TT-BCA ngày 15/05/2018 của Bộ công an hướng dẫn một số nội dung của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Trong đó, Điều 9, Điều 10 quy định rõ về quản lý, bảo quản, thu hồi và các loại giấy phép đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Đó là:
(1) Làm chết người;
(2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
(3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
(4) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trường hợp hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra, người phạm tội không bị truy cứ trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Khoản 4: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338