Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về xây dựng thực hiện hành vi do vô ý mà chủ yếu là vô ý vì quá tự tin (cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả), tức là người thực hiện hành vi vi phạm quy định về xây dựng thấy trước hành vi vi phạm quy định về xây dựng có thể gây ra gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác.
Vi phạm các quy định về khảo sát là khảo sát không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về khảo sát. Khi xây dựng một công trình dù là lớn hay nhỏ thì công việc khảo sát bao giờ cũng là công việc đầu tiên, khảo sát đúng là tiền đề cho thiết kế chính xác. Khảo sát như là sự khởi đầu của quá trình xây dựng. Thực tế có không ít công trình do vi phạm các quy định về khảo sát nên dẫn đến chất lượng công trình kém, thậm chí bị sụp đổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vi phạm các quy định về thiết kế là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về thiết kế. Sau khảo sát là khâu thiết kế công trình, nói chung công việc này do các kiến trúc sư đảm nhiệm. Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ của cá nhân hoặc các công trình không yêu cầu kỹ thuật cao thì việc thiết kế thường do chính chủ đầu tư thực hiện. Dù là kiến trúc sư hay do chủ đầu tư thiết kế mà vi phạm các quy định về thiết kế mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng.
Vi phạm các quy định về thi công là thi công không đúng với thiết kế đã được phê duyệt như: việc trộn bê tông không đúng quy trình kỹ thuật, không bảo đảm chất lượng; việc hàn các mối hàn không bảo đảm kỹ thuật…
Vi phạm các quy định về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, trong quá trình thi công một công trình, căn cứ vào thiết kế, đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu đã được xác định trong bản thiết kế, việc thay đổi nguyên liệu, vật liệu phải được sự đồng ý của bên thiết kế và chủ đầu tư; nếu bên thi công tự ý thay đổi việc sử dụng nguyên liệu,vật liệu là vi phạm và do việc thay đổi đó mà gây ra hậu quả thì người quyết định việc thay đổi đó phải chịu trách nhiệm. Biểu hiện của hành vi này là bớt vật tư, thiết bị, thay thế vật tư, thiết bị chất lượng xấu hơn so với thiết kế.
Vi phạm các quy định về sử dụng máy móc, hành vi vi phạm các quy định về sử dụng máy móc là việc sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định. Trong xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn theo quy định một số hạng mục cần phải thi công bằng máy móc như cần cẩu, máy trộn bê tông, máy đầm… xã hội càng phát triển, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng càng cao thì việc sử dụng máy móc để xây dựng càng phát triển; máy móc dần dần thay thế lao động thủ công là một tất yếu.
Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình, nghiệm thu công trình là khâu kết thúc của quá trình xây dựng. Nếu công trình xây dựng đúng khảo sát, đúng thiết kế, đúng thi công không vi phạm gì về xây dựng thì việc nghiệm thu không có vấn đề gì. Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về nghiệm thu công trình như: công trình không bảo đảm chất lượng, không đúng với thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu…
Vi phạm các quy định khác về xây dựng, khi liệt kê các hành vi vi phạm về xây dựng, nhưng vì thực tế trong xây dựng còn có thể có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mà không thể liệt kê hết được nên nhà làm luật đã quy định có tính chất dự phòng để tránh tình trạng lọt tội. Vi phạm các quy định khác về xây dựng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng ngoài các hành vi vi phạm về trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Hậu quả đó là:
(1) Làm chết người;
(2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
(3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
(4) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trường hợp hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra, người phạm tội tuy không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doah bất động sản, phạt triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Ngoài ra, Điều 298 còn loại trường 02 tội phạm theo quy định tại Điều 224 và Điều 281 Bộ luật Hình sự. Đó là tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224) và tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông (Điều 281).
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 298. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338