Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về hình phạt "Trục xuất" quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong lịch sử lập pháp hình sự của nước ta, lần đầu tiên hình phạt trục xuất được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và tiếp tục được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là một loại hình phạt mới được bổ sung vào hệ thống hình phạt chính trong Bộ luật Hình sự, hình phạt trục xuất được quy định vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án Việt Nam xử lý người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước ta.
Theo quy định Điều 37 Bộ luật Hình sự năm 2015, trục xuất có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung và chỉ áp dụng với người nước ngoài phạm tội trong trường hợp cụ thể. Hiện nay, Nhà nước ta đang chủ trương mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, du lịch, công tác, học tập ngày càng nhiều và trong đó có một số người đã phạm tội ở Việt Nam. Việc bổ sung hình phạt này với tính chất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung sẽ tạo điều kiện thuận lợi đế xử lý người nước ngoài phạm tội một cách hợp lý hơn. Mặt khác Bộ luật Hình sự của một số nước trên thế giới cũng quy định hình phạt này (như Trung Quốc).
Đối tượng áp dụng hình phạt trục xuất: Hình phạt này chỉ áp dụng với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam, bao gồm cả người mang quốc tịch của nước ngoài và cả người không mang quốc tịch nhưng không thường trú tại Việt Nam. Nếu người không quốc tịch nhưng thường trú tại Việt Nam thì không áp dụng hình phạt này.
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt trục xuất được quy định ở cả hệ thống hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Chính vì vậy, trong từng vụ án cụ thể Tòa án có thể áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính. Trong thực tiễn áp dụng loại hình phạt này, Tòa án cần nghiên cứu từng trường hợp cụ thể để áp dụng cho phù hợp như căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người nước ngoài đã thực hiện, cân nhắc vấn đề quốc tịch của người phạm tội, xem xét các yêu cầu về chính trị, pháp luật và quan hệ ngoại giao.
Các trường hợp bị trục xuất khỏi Việt Nam:
Trục xuất là hình phạt mang tính cưỡng chế thi hành đối với những người nước ngoài bị áp dụng hình phạt. Người nước ngoài khi có hành vi vi phạm hành chính hoặc phạm tội hình sự thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định. Người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam trong những trường hợp như sau:
- Bị toà án có thẩm quyền của Việt Nam xử phạt trục xuất;
- Bị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất, việc trục xuất người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự được giải quyết bằng đường ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền ra quyết định trục xuất người nước ngoài trong các trường hợp: Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính; Vì lí do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Điều 37. Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338