Bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên, do đây là những người chưa đủ năng lực hành vi dân sự. Xuất phát từ vai trò trách nhiệm của cha, mẹ dạy dỗ giáo dục con cái nên trong trường hợp con chưa đủ 15 tuổi thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu như tài sản cha, mẹ không đủ để bồi thường nếu con có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Tuy nhiên, trong thời gian trường học đang quản lý trực tiếp nhưng có lỗi trong việc quản lý người dưới 15 tuổi để người đó gây ra thiệt hại thì trường học có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Có thiệt hại xảy ra, việc xác định thiệt hại được coi là tiền đề quan trọng phải có trước tiên. Phạm vi của trách nhiệm bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Có hành vi trái pháp luật, là hành vi gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hành vi trái pháp luật đó có thể do pháp luật cấm thực hiện, hoặc yêu cầu thực hiện nhưng chủ thể đã không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nên đã gây thiệt hại.
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, chỉ khi nào xác định được rõ ràng rằng hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại có ý nghĩa quyết định trong việc làm phát sinh thiệt hại thực tế, thì người đó mới phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Yếu tố lỗi (lỗi của cha, mẹ, người giám hộ, quản lý), đối với trường hợp này thì yếu tố lỗi là không bắt buộc, đặc biệt là đối với chính người gây thiệt hại, lỗi ở đây chỉ có thể là lỗi suy đoán thuộc về cha, mẹ, người giám hộ, người quản lý hợp pháp của người chưa thành niên do họ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục quản lý con cái chưa thành niên, quản lý người chưa thành niên.
2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Việc người chưa thành niên gây ra thiệt hại đến tài sản là khá phổ biến trong đời sống xã hội, cách giải quyết cũng rất khác nhau tùy thuộc vào từng người và từng mối quan hệ cụ thể. Người chưa thành niên, đặc biệt là nhóm trẻ em nhỏ tuổi, các em còn quá nhỏ thì cha mẹ có trách nhiệm phải trông, giữ; nếu người chưa thành niên gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc thì hành vi có lỗi, gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Nếu người chưa thành niên gây ra thiệt hại thì cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm phải bồi thường. Nếu cả hai bên đều có lỗi thì việc bồi thường sẽ tương ứng với phần lỗi của mỗi bên. Việc bồi thường thiệt hại trong quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để xác định ai phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu thì phải căn cứ vào năng lực trách nhiệm hành vi dân sự, mức độ lỗi và thiệt hại thực tế đã xảy ra, trong đó yếu tố lỗi và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả.
Với người đã thành niên thì bản thân phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Còn với người chưa thành niên, trong đó có trẻ em thì việc chịu trách nhiệm dân sự sẽ phụ thuộc vào từng độ tuổi nhất định và phụ thuộc vào việc người chưa thành niên, trẻ em đó có tài sản riêng hay không và có lỗi như thế nào.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại. Người chưa đủ 15 tuổi được xác định là không có khả năng chịu trách nhiệm bồi thường. Hơn nữa, bản thân họ vẫn chịu sự giám sát quản lý của cha mẹ nên khi họ gây thiệt hại, cha mẹ được xem là có lỗi trong việc quản lý (lỗi suy đoán) nên cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng thì cha mẹ được lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì bản thân họ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác định là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường, đồng thời người trong độ tuổi này có thể tham gia ký kết một số hợp đồng, giao dịch dân sự (bao gồm cả hợp đồng lao động).
Nếu người gây thiệt hại không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì sẽ xử lý theo hướng nếu người được giám hộ có đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản để bồi thường.
Việc bồi thường thiệt hại trong các quan hệ dân sự không chỉ giải quyết trên cơ sở pháp luật mà còn giải quyết trên cơ sở tình cảm, tình người sao cho hài hòa, đảm bảo công bằng cho các bên. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong dân sự là "việc dân sự cốt ở đôi bên", "tôn trọng sự thỏa thuận của các bên". Bởi vậy, khi mối quan hệ dân sự có những mâu thuẫn, tranh chấp thì ưu tiên hàng đầu là ưu tiên tự thỏa thuận hoặc trung gian hòa giải, nếu không thể thỏa thuận được, không thể hóa giải được thì có thể đưa sự việc tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Lợi ích khi mời luật sư tham gia giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Khi tham gia vụ án giải quyết tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, luật sư của chúng tôi sẽ tư vấn cho quý khách nắm được các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người chưa thành niên, giảm mức bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra. Giúp khách hàng xác định những vấn đề như: thiệt hại của khách hàng là gì, hành vi trái pháp luật phát sinh từ ai, mối quan hệ giữa thiệt hại với hành vi trái pháp luật là gì, xác định lỗi của người gây thiệt hại.
Tham vấn cho quý khách những giải pháp xử lý phù hợp, nếu sự việc còn có thể giải quyết bằng việc “thỏa thuận” hay “hòa giải”. Trường hợp phải giải quyết tranh chấp tại tòa án thì đội ngũ luật sư của chúng tôi sẽ giúp khách hàng nắm được các trình tự - thủ tục tố tụng sẽ trải qua, chỉ ra những tình tiết có lợi nhất cho khách hàng, giúp khách hàng đánh giá toàn bộ điều kiện khởi kiện, tiến hành thu thập tài liệu - chứng cứ, tư vấn về án phí, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gửi đến tòa án có thẩm quyền, làm việc với cơ quan tố tụng, tranh tụng tại tòa án.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338