Yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Đặc biệt, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn:
Quyền được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”. Có nghĩa, sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án hoặc sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu độc lập của Tòa án, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Song trong thực tế hiện nay vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa yêu cầu phản tố của bị đơn với ý kiến của bị đơn dẫn đến trường hợp Tòa án không xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc chỉ là ý kiến của bị đơn nhưng Tòa án lại xem xét giải quyết như yêu cầu phản tố của bị đơn.
Thời điểm bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Quy định bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải là một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Nội dung và hình thức yêu cầu phản tố:
(1) Nội dung yêu cầu phản tố:
Yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 cần đảm bảo các yếu tố:
- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn;
- Yêu cầu phản tố dẫn đến việc loại trừ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
-Yêu cầu phản tố được đưa ra nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.
(2) Hình thức của yêu cầu phản tố:
Việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn phải tuân thủ hình thức như khởi kiện của một vụ việc, có nghĩa là bị đơn phải soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Toà án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí như nguyên đơn. Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Toà án nhận được đơn phản tố.
Bên cạnh những yếu tố về trình tự, thủ tục thì hậu quả pháp lý cũng thay đổi cơ bản nếu như bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố. Cụ thể, thay vì trước kia bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh cho ý kiến của mình thì bây giờ bị đơn phải chủ động trong việc chứng minh yêu cầu phản tố của mình. Khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, nếu bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nếu như bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố thì vai trò của các bên sẽ thay đổi nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn và ngược lại, nguyên đơn lại trở thành bị đơn, vụ án vẫn tiếp tục được giải quyết.
Thời gian xử lý đơn phản tố trong bao lâu?
Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập như sau:
Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện, cụ thể:
- Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Từ quy định trên có thể thấy thời gian xử lý đơn phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Do đó, thời hạn xử lý đơn yêu cầu phản tố tối đa là 8 ngày đối với trường hợp nộp đơn trực tiếp và tối đa là 10 ngày đối với trường hợp nộp đơn thông qua dịch vụ bưu chính.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338