Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng đặt cọc nếu các bên không thể thương lượng, hòa giải được thì một bên có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Tranh chấp hợp đồng đặt cọc được xác định là tranh chấp dân sự quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thuộc loại việc của tòa án nhân dân.
1. Các dạng tranh chấp Hợp đồng đặt cọc
Căn cứ Điều 328, 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng đặt cọc đặt cọc có thể được hiểu là sự thoả thuận giữa các bên về việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng đặt cọc có thể được hiểu là những tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các bên liên quan đến hợp đồng đặt cọc. Một số tranh chấp hợp đồng đặt cọc phổ biến như:
(1) Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc.
(2) Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đặt cọc.
(3) Tranh chấp về phạt cọc và tiền phạt cọc.
2. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp Hợp đồng đặt cọc
Theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng đặt cọc được xác định theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Tại Điều 429 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ thời điểm biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Thẩm quyền theo loại việc:
- Đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc loại vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa các chủ thể thuần túy về dân sự thì thuộc loại vụ việc tranh chấp hợp đồng dân sự theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Thẩm quyền theo cấp tòa án:
Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền theo lãnh thổ:
Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Trường hợp các đương sự thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp.
4. Hồ sơ khởi kiện cần chuẩn bị
Hồ sơ khởi kiện là những giấy tờ, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc khởi kiện. Hồ sơ khởi kiện có thể bao gồm nhưng không giới hạn các loại giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu số 23 - DS ban hành kèm nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP).
- Tài liệu chứng chứ liên quan đến hợp đồng đặt cọc như: Hợp đồng, biên nhận tiền, sao kê tài khoản ngân hàng chuyển tiền, biên bản làm việc, nội dung trao đổi làm việc…
- Giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người khởi kiện là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với người khởi kiện là tổ chức.
- Giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người bị kiện là cá nhân (nếu có); Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với người bị kiện là tổ chức (nếu có).
Liên hệ tư vấn và mời Luật sư: 0936683699 - 0983951338