Quyền được khai sinh, khai tử là quyền nhân thân quan trọng đối với mỗi cá nhân. Quyền này có từ khi cá nhân sinh ra và được thực hiện kể từ thời điểm cá nhân sinh ra và khi cá nhân chết. Quyền được khai sinh là quyền có ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với cá nhân, nhằm xác nhận cá nhân với tư cách là một chủ thể mới trong xã hội. Thông qua đăng kí khai sinh, cá nhân được cấp Giấy khai sinh - một trong những giấy tờ nhân thân quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người.
Giấy khai sinh là giấy tờ cần thiết không thể thiếu được trong các hoạt động quan trọng của mỗi cá nhân sau này như trong quá trình học tập, trong quá trình làm việc hoặc khi làm các thủ tục hành chính trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh. Các nội dung đăng kí khai sinh bao gồm:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc, quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014. Những nội dung này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Bên cạnh những quy định trên, Luật Hộ tịch còn quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con của cha mẹ và đồng thời quy định về trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh để người đi đăng ký khai sinh cũng như người có thẩm quyền đăng ký khai sinh biết các bước để tiến hành.
Ngược lại với quyền được khai sinh là nhằm xác nhận tư cách chủ thể cho đứa trẻ mới được sinh ra thì quyền được khai tử nhằm xác nhận sự kiện cá nhân chết, chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân. Thẩm quyền đăng ký khai tử thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết, nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử quy định tại Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Việc đăng ký khai sinh, khai tử không chỉ mang lại ý nghĩa đối với cá nhân được đăng ký mà còn có ý nghĩa trong việc quản lý hộ tịch của Nhà nước, là cơ sở để thống kê dân số. Việc khai sinh và khai tử là bắt buộc đối với các trường hợp cá nhân sinh ra và sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên sau đó qua đời. Đối với các trường hợp cá nhân chết ngay khi chào đời chưa đủ hai mươi bốn giờ thì việc khai sinh, khai tử của cá nhân là phụ thuộc vào yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân đó.
Khác với các quyền nhân thân khác có thể được tiến hành bởi người đại diện, người giám hộ hoặc bởi chính cá nhân đó (khi cá nhân đủ điều kiện về độ tuổi và điều kiện về khả năng nhận thức để có thể tự mình tiến hành) thì quyền được khai sinh, khai tử của cá nhân luôn được thực hiện thông qua hành vi của một cá nhân khác mà không phải của chính cá nhân mang quyền.
Khác với xu hướng tách các điều luật quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (đã phân tích ở trên với các quyền thay đổi họ, quyền thay đổi tên…) thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại nhập quyền khai sinh, khai tử của cá nhân được quy định tại Điều 29, Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2005 thành một điều luật duy nhất.
Việc quy định quyền được khai sinh, quyền được khai tử trong một điều luật nhằm hướng tới việc giảm bớt số lượng điều luật, tránh được việc gia tăng số lượng điều luật một cách không cần thiết và quan trọng hơn, đây là hai quyền có sự gắn kết, tương thích với nhau đối với cuộc đời của mỗi cá nhân kể từ khi sinh ra đến khi cá nhân chết.
Bên cạnh sự thay đổi về kết cấu, Điều luật này còn bổ sung thêm khoản 3, quy định về thời gian sống của một đứa trẻ để làm căn cứ đăng ký khai sinh, khai tử hoặc không đăng ký.
Điều 30. Quyền được khai sinh, khai tử
1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
2. Cá nhân chết phải được khai tử.
3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
4. Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338