Language:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16)
24/11/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội" tại Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cho phép người phạm tội được lựa chọn cách xử sự của mình: một là tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, hai là tự mình chấm dứt việc phạm tội để hưởng khoan hồng của pháp luật, được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Đây là chế định thể hiện chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

(1) Tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp chủ thể đã tự kiềm chế để không thực hiện tội phạm (sau khi có hành vi chuẩn bị phạm tội) hoặc không thực hiện đến cùng tội phạm mà chủ thể đang thực hiện khi biết rằng không có gì ngăn cản chủ thể thực hiện tội phạm.

Quy định tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội trong luật và xác định “người tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện” có ý nghĩa không chỉ là động lực thúc đẩy chủ thể chấm dứt việc phạm tội để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà còn là biện pháp pháp lý nhằm hạn chế các thiệt hại có thể gây ra cho xã hội.

(2) Để được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn những điều kiện sau:

- Về khách quan: Việc chấm dứt phạm tội xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Thời điểm muộn nhất của tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội là thời điểm hành vi cuối cùng trong số các hành vi luật quy định chưa được thực hiện. Ví dụ: người phạm tội hiếp dâm mới thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mà chưa thực hiện hành vi giao cấu; hoặc là thời điểm hậu quả nguy hiểm (hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm) chưa xảy ra. Ví dụ: người phạm tội giết người mới thực hiện hành vi đam, chém… nạn nhân, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là điều người phạm tội mong muốn chưa xảy ra.

Khi phạm tội đã ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì cũng có nghĩa người phạm tội đã thực hiện hết những hành vi mong muốn và do vậy không thể có việc tự ý nửa chừng không thực hiện tiếp tội phạm. Tại thời điểm tội phạm chưa đạt đã hoàn thành, hậu quả của tội phạm tuy thực tế chưa xảy ra nhưng chủ thể cho rằng đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra và do vậy không cần có hành vi gì tiếp nữa. Do vậy việc chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm rõ ràng không có ảnh hưởng gì đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.

Trong thực tế có trường hợp sau khi thực hiện những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm (phạm tội chưa đạt đã hoàn thành) và khi hậu quả chưa xảy ra người phạm tội đã tự nguyện có những hành động tích cực ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra và do đó hậu quả đã không xảy ra. Về trường hợp này trong khoa học luật hình sự Việt Nam hiện nay có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội mà chỉ được coi là sự “hối hận tích cực” đáng được cân nhắc khi quyết định hình phạt. Quan điểm thứ hai coi là trường hợp tương tự của trường hợp tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội khi chưa được luật quy định riêng.

Khi phạm tội đã hoàn thành thì không còn điều kiện (cơ sở) để tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội vì khi đó, hành vi đã thực hiện đã có đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Việc dừng lại lúc này hoàn toàn không làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã thực hiện. Những hành vi chủ động ngăn chặn hậu quả nguy hiểm xảy ra, tự nguyện khôi phục lại tình trạng cũ như trả lại toàn bộ tài sản đã trộm cắp, tự thú, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại… đều không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội mà chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định mức độ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Về chủ quan: Việc chấm dứt tội phạm phải là sự chấm dứt tự nguyện và dứt khoát.

Chấm dứt tự nguyện có nghĩa việc dừng lại không thực hiện tội phạm đến cùng phải hoàn toàn do động lực bên trong của chủ thể thúc đẩy chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng việc thực hiện tội phạm, người phạm tội tin rằng không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Nếu dừng lại không thực hiện tội phạm là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội, thì việc dừng lại này không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội, mà có thể là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Chấm dứt dứt khoát có nghĩa người phạm tội hoàn toàn từ bỏ hẳn ý định (mong muốn) phạm tội, chấm dứt một cách triệt để mà không phải là thủ đoạn “tạm dừng” để tiếp tục thực hiện tội phạm khi có điều kiện.

Động cơ thúc đẩy chủ thể chấm dứt phạm tội là rất khác nhau nhưng không phải là điều kiện bắt buộc để xác định tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội. Trong thực tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm với người quen biết… Do đó, không nên đòi hỏi người có hành vi nguy hiểm phải tỉnh ngộ, hối hận mà chỉ cần họ đã thực sự tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm nữa thì được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội.

(3) Trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội. Theo Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm.

Khi người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội thì xét về khách quan hành vi đã thực hiện có tính nguy hiểm cho xã hội còn hạn chế do chưa thão mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội định phạm và về mặt chủ quan, người phạm tội đã hoàn toàn tự nguyện và dứt khoát bỏ hẳn ý định phạm tội của mình, không còn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng như ở các trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Trong sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan như vậy, hành vi đã thực hiện trước đó của người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội được coi như đã mất tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội định thực hiện. Đây là căn cứ chủ yếu để Nhà nước quy định miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm cho người đã tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội. Mặt khác, chính sách hình sự của Nhà nước ta muốn tạo cơ hội cho người tuy đã có hành vi chuẩn bị phạm tội hay đã bắt đầu thực hiện tội phạm vẫn có cơ hội hưởng sự khoan hồng nếu họ tự nhận ra lỗi lầm của mình mà chấm dứt việc phạm tội. Việc họ từ bỏ ý định phạm tội cũng là một trong những mục đích nhằm đạt được trong việc xử lý hình sự và giáo dục người phạm tội.

Trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đã thực hiện. Ví dụ: người phạm Tội giết người đã tấn công (đâm hay chém nạn nhân) bị thương rồi tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội giết người sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015) nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Việc tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức (trong trường hợp đồng phạm) có một số điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội của cá nhân người phạm tội. Nếu cá nhân người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội thì tội phạm không hoàn thành, hậu quả của tội phạm mà người phạm tội mong muốn không xảy ra. Trong trường hợp đồng phạm, người xúi giục, nếu người tổ chức hay người giúp sức tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, nhưng không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn người thực hành thực hiện tội phạm, thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện. Do đó, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt… và được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội định phạm thì phải thỏa mãn hai điều kiện sau:

* Điều kiện một, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức phải tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội trước khi người thực hành đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

* Điều kiện hai, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm của người thực hành, làm mất tác dụng của những hành vi trước đó của mình. Cụ thể:

- Người tổ chức, người xúi giục phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thầm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân biết có biện pháp ngăn chặn.

- Người giúp sức phải chấm dứt việc tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm nhưng không cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho người thực hành…Nếu sự giúp sức đang được người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

- Trong trường hợp có nhiều người thực hành tội phạm đã có người từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội nếu người từ bỏ ý định phạm tội đã không làm gì hoặc những việc đã làm của họ trước khi từ bỏ ý định phạm tội đã không giúp gì cho những đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Còn nếu những việc mà họ đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó.

- Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức, người thực hành được miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm theo Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nhưng nếu những việc đã làm của họ không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự; họ chỉ có thể miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

Người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nhưng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm do người (hoặc những người) đồng phạm thực hiện không có sự giúp đỡ của họ.

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội Tự ý nửa chừng Tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội Tự mình Tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng Tuy không có gì ngăn cản Phạm tội đến cùng Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội Miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm Miễn trách nhiệm hình sự Hành vi đủ yếu tố cấu thành của một tội khác Phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khác Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015 Dịch vụ luật sư Dịch vụ pháp lý Đoàn luật sư Hà Nội Liên đoàn luật sư Việt Nam luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Tư vấn luật Tư vấn pháp luật Tìm luật sư giỏi luật sư luật sư giỏi Luật sư tại Hà Nội Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư tố tụng Luật sư tư vấn Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư đất đai Luật sư tư vấn đất đai Luật sư nhà đất Luật sư thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư hôn nhân và gia đình Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp Luật sư sở hữu trí tuệ luật sư lao động Luật sư nổi tiếng Luật sư hòa giải luật sư đối thoại Văn phòng luật Văn phòng luật sư Văn phòng luật sư uy tín Văn phòng luật sư gần nhất Văn phòng luật sư Hà Nội Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội Công ty luật Tổ chức hành nghề luật sư 0983951338 0936683699