Người thừa kế phải trả nợ thay cho người đã chết khi nào?
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Câu hỏi bạn đọc: Bố mẹ tôi sinh được 03 người con, trước khi chết có vay nợ bạn bè một khoản nợ là 500 triệu. Khi chết bố mẹ không để lại di chúc và có để lại di sản để lại là nhà đất 220m2 cho chúng tôi. Xin hỏi luật sư, chúng tôi có phải trả nợ thay cho bố mẹ không?
Giải đáp của Luật sư: Theo quy định pháp luật thì người thừa kế theo pháp luật tài sản của người đã chết phải có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi phần di sản được hưởng, khi người có tài sản chết thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con của người này sẽ là đồng thừa kế đối với tài sản do người chết để lại, là đồng thừa kế nên những người này đều có nghĩa vụ trong phạm vi kỷ phần di sản mình được hưởng để trả nợ thay người đã chết, khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ thì di sản còn lại giá trị bao nhiêu khi ấy mới tiến hành chia cho các đồng thừa kế.
Bố mẹ bạn trước khi chết có vay nợ bạn bè (500 triệu) và chưa trả khoản nợ này nhưng đã chết, tài sản để lại là nhà đất 220m2. Vì vậy di sản là nhà đất này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, khi trả nợ xong nếu còn di sản thì chia cho các đồng thừa kế, nếu di sản không đủ thì các đồng thừa kế không phải bù để trả nợ thay người đã chết. Đối với tài sản chung như nhà đất của vợ hoặc chồng thì xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết trước. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha, mẹ, vợ, chồng, con theo quy định pháp luật thừa kế. Trường hợp nếu người có nghĩa vụ trả nợ đã chết không còn tài sản để lại, thì người thân của người này không có nghĩa vụ trả nợ thay, trừ khi những người này tự nguyện trả nợ thay.Theo quy định pháp luật, nghĩa vụ khi một người chết đi sẽ được chuyển tiếp cho người thừa kế của người đó trong phạm vi di sản để lại, được quy định tại Điều 614 và Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.
"Điều 614. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế
Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân."Cụ thể tại Điều 614 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong khi đó tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá kỷ phần thừa kế mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này, bố mẹ bạn để lại di sản là nhà đất trên thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước. Trường hợp bố mẹ bạn không còn tài sản để lại, thì người thân mới không có nghĩa vụ phải trả nợ thay.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338