Chia di sản thừa kế cho con dưới 18 tuổi
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
1. Quy định về người chưa thành niên:
Tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chưa thành niên như sau:
- Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
2. Quyền thừa kế:
Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản theo quy định tại Điều Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Thừa kế theo di chúc:
Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của di chúc như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Người lập di chúc phải đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc lập di chúc phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Hiện nay pháp luật quy định di chúc bằng văn bản bao gồm Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Mỗi loại di chúc này đều phải đáp ứng các điều kiện khác nhau.
4. Thừa kế theo pháp luật:
Điều 650 Bộ luật Dân sự quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật gồm:
- Không có di chúc.
- Di chúc không hợp pháp.
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
5. Quyền thừa kế của con dưới 18 tuổi:
Quyền được hưởng di sản thừa kế là quyền của người thừa kế, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định người thừa kế là con chưa thành niên (kể cả con thành niên mà không có khả năng lao động) của người để lại di sản thì quyền hưởng di sản thừa kế là quyền đương nhiên, không phụ thuộc vào việc có hay không có di chúc. Về nguyên tắc đây được xem là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Nguyên tắc chia di sản cho con dưới 18 tuổi như sau:
- Những người cùng hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật thì con chưa đủ 18 tuổi thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, ngang hàng với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người có di sản. Những người cùng hàng thừa kế thì được hưởng phần di sản bằng nhau.
Hiện nay pháp luật thừa kế không phân biệt con dưới 18 tuổi hay con trên 18 tuổi, mà con dưới 18 tuổi hay con trên 18 tuổi đều được hưởng di sản thừa kế của người chết có di sản để lại.
Di sản thừa kế chia cho con dưới 18 tuổi do ai quản lý:
Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định việc quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên:
- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
- Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.
Trường hợp con đang có người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người tặng cho tài sản hay để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho con đã chỉ định người khác quản lý di sản đó thì việc quản lý di sản sẽ dựa vào:
- Di sản cho con chưa đủ 15 tuổi dựa vào quy định khoản 2 Điều 55 Bộ luật Dân sự do người giám hộ quản lý.
- Từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì thuộc sự quản lý của người giám hộ.
Lưu ý: Việc khai nhận di sản thừa kế cũng phải có mặt người dưới 18 tuổi được hưởng di sản, những người dưới 18 tuổi đã có CCCD thì mang theo giấy tờ cá nhân, những người chưa đủ tuổi làm giấy tờ cá nhân (CCCD) thì cần mang theo Giấy khai sinh.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338