Thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: (1) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự; (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ như: Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
Tại Điều 429 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.
Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có các nội dung chính: Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định; Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định; Lý do, căn cứ ra quyết định; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo; Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự đã áp dụng; Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị áp dụng biện pháp này cư trú.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao quyết định cho người bị áp dụng biện pháp này, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú.
Việc giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
Tại Điều 21 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, thủ tục giám sát, giáo dục đối với người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Nghị định 37/2018/NĐ-CP và quy định tại Điều 12, các khoản 1, 2, 4 Điều 13, từ Điều 14 đến Điều 19 Nghị định 37/2018/NĐ-CP. Ngoài các nội dung cam kết quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 37/2018/NĐ-CP, người được giám sát, giáo dục còn phải cam kết: Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép.
Người được giám sát, giáo dục được phép vắng mặt tại nơi cư trú, nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng. Việc vắng mặt tại nơi cư trú có thể được thực hiện nhiều lần nhưng mỗi lần không quá 30 ngày và tổng thời gian vắng mặt không được vượt quá một Phần ba thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người được giám sát, giáo dục phải thực hiện theo quy định sau: Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú dưới 15 ngày thì phải thông báo với người trực tiếp giám sát, giáo dục về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến tạm trú. Người trực tiếp giám sát, giáo dục phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người được giám sát, giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú; Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú từ 15 ngày đến 30 ngày thì phải làm đơn xin phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú và ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đơn xin phép được gửi đến người trực tiếp giám sát, giáo dục.
Chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
Tại Điều 23 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định về việc chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, khi nhận được đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Công an cùng cấp tổ chức cuộc họp xem xét việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giáo dục cho người được giám sát, giáo dục.
Thành Phần tham gia cuộc họp gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; người trực tiếp giám sát, giáo dục; đại diện Công an cấp xã; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; người được giám sát, giáo dục; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục. Tại cuộc họp, người trực tiếp giám sát, giáo dục nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; người tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận.
Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập hồ sơ đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gửi cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Hồ sơ đề nghị gồm có:
- Đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục;
- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục cho người được giám sát, giáo dục;
- Bản nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338