Thủ tục đăng ký bảo vệ bị hại, đương sự, người bị tố giác
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đương sự, người bị tố được quy định cụ thể tại khoản 18, 19 Điều 55; Điều 83; Điều 84 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác là người được người bị tố giác nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”. Còn “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, của bị hại, đương sự có thể là: Luật sư; bào chữa viên nhân dân; người đại diện; trợ giúp viên pháp lý. Trong phạm vi nội dung bài viết này chỉ đề cập đến “thủ tục của luật sư” đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự, người bị tố giác.
Xuất phát từ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định đối với “người bị tố giác” quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại điểm e, Điều 57; đối với "bị hại" quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại điểm i, khoản 2 Điều 62; đối với “nguyên đơn dân sự” quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp được quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 63; đối với “bị đơn dân sự” quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp được quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 64; đối với “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp được quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 65.
Tại Điều 7 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định thời điểm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác tham gia tố tụng. Theo đó, thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác. Còn thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Việc giải thích quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác được quy định tại Điều 8 Thông tư 46/2019/TT-BCA. Theo đó, trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Trường hợp họ nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp họ không nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra giải thích quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được thực hiện trong suốt quá trình tiến hành tố tụng.
Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự, người bị tố giác được quy định tại Điều 9 Thông tư 46/2019/TT-BCA. Cụ thể, khi đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác phải xuất trình các giấy tờ:
- Xuất trình bản chính Thẻ luật sư để kiểm tra đối chiếu với bản sao;
- Thẻ luật bản sao có chứng thực;
- Đơn yêu cầu luật sư của của bị hại, đương sự, người bị tố giác;
- Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân bản sao của bị hại, đương sự, người bị tố giác;
- Quyết định phân công luật sư tham gia vụ việc/vụ án của tổ chức hành nghề luật sư;
- Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư.
Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung), trực ban các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Khi nhận được hồ sơ đăng ký, đối với Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ việc, vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án, vụ việc. Đối với đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công giải quyết vụ án, vụ việc.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 46/2019/TT-BCA thì trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền), Cấp trưởng, Cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ký Thông báo về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và vào sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chưa bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 46/2019/TT-BCA thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp biết để bổ sung hồ sơ.
Trường hợp có căn cứ từ chối việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338