Thủ tục tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo đó, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
1. Quyền tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Quyền yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Điều 376 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, gồm những cá nhân, tổ chức sau:
- Người có quyền và lợi ích liên quan;
- Cơ quan, tổ chức hữu quan;
- Người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất, tinh thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu;
Tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là loại việc thuộc thẩm quyền của tòa án. Còn theo điểm a, khoản 2, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú.
2. Hồ sơ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
- Đơn yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện theo mẫu số 01 Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và tài liệu chứng minh người đứng tên yêu cầu Tòa án là người có quyền yêu cầu;
- CCCD của người yêu cầu;
- Một số giấy tờ khác theo quy định.
3. Trình tự, thủ tục tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu
Người có quyền, lợi ích liên quan hay các cơ quan, tổ chức hữu quan nộp 01 bộ hồ sơ cho Tòa án theo trình tự nội dung. Người có quyền nêu trên nộp đơn yêu cầu và hồ sơ đầy đủ hợp lệ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu
Trường hợp Tòa án xét thấy đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ đã đủ điều kiện thụ lý thì sẽ thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí trong 05 ngày làm việc. Trừ các trường hợp được miễn hay không phải nộp lệ phí theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Tòa án thụ lý đơn yêu cầu sau khi người yêu cầu đã nộp biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. Với trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Tòa án sẽ thụ lý việc dân sự tính từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án sẽ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là 01 tháng tính từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Trong thời hạn chuẩn bị xem xét đơn yêu cầu, Tòa án sẽ thực hiện các công việc sau:
- Trường hợp các tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung thêm các tài liệu, chứng cứ trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
- Trường hợp đương sự có yêu cầu hay cần thiết thì Thẩm phán sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định hay định giá tài sản.
- Quyết định đình chỉ việc xem xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu phía người yêu cầu rút đơn yêu cầu.
- Quyết định mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
Bước 4: Quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Đối với đơn yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận. Theo đó trường hợp Tòa án chấp nhận đơn yêu cầu thì sẽ đưa ra quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338