Thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp gồm: (1) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự; (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ như: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015 và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.
Thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng:
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 428 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có các nội dung chính: Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định; Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định; Lý do, căn cứ ra quyết định; Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự đã áp dụng; Họ tên Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo; Họ tên người bị hại; Họ tên những người khác tham gia hòa giải; Thời gian, địa điểm, tiến hành hòa giải.
Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.
Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải. Biên bản hòa giải có các nội dung chính: Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc; Họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị hại; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải; Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải; Kết quả hòa giải; người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có); Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hòa giải.
Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục:
Tại Điều 12 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định về nội dung và hình thức giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng với người dưới 18 tuổi phạm tội
(1) Nội dung giám sát, giáo dục:
- Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
- Trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm;
- Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
- Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác quy định tại Điều 71 Luật Trẻ em năm 2016 nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
(2) Hình thức giám sát, giáo dục:
- Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục;
- Hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề;
- Thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó;
- Yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.
Cam kết của người được giám sát, giáo dục:
Tại Điều 13 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định về cam kết của người dưới 18 tuổi phạm tội được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Theo đó, người được giám sát, giáo dục phải làm bản cam kết về việc chấp hành các nghĩa vụ và gửi cho người trực tiếp giám sát, giáo dục. Nội dung cam kết gồm:
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nghiêm túc sửa chữa sai phạm;
- Tham gia Chương trình học văn hóa, dạy nghề hoặc lao động do địa phương tổ chức phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh của mình;
- Tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;
- Trình diện khi được yêu cầu.
Ngoài các nội dung cam kết quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 37/2018/NĐ-CP, người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng còn phải cam kết hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có). Cam kết của người được giám sát, giáo dục phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338