Thủ tục thi hành án tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Cha mẹ là người đại diện đương nhiên của con theo quy định pháp luật, nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn là trách nhiệm của cha hoặc mẹ đối với con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình khi cha hoặc mẹ không cùng chung sống, trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Trường hợp ly hôn mà các bên có thỏa thuận việc nuôi con hoặc tòa án quyết định giao con cho một người nuôi, thì người không trực tiếp chăm sóc hoặc không sống chung với con mà theo quy định phải thực hiện thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Người đang trực tiếp là người chăm sóc sẽ sử dụng khoản cấp dưỡng hay gọi là các khoản hỗ trợ bằng tiền hoặc tài sản tới người được chăm sóc mà có mối quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống.
1. Điều kiện thi hành án tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn được xác định trên tinh thần tự nguyện giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ, mức cấp dưỡng được xác định theo thỏa thuận được dựa trên căn cứ như: (1) Nguồn thu nhập của người cấp dưỡng, người cấp dưỡng phải có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tài sản; (2) Dựa trên nhu cầu thiết yếu hàng ngày hoặc hàng tháng của người được cấp dưỡng. Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng thường được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú. Mức sinh hoạt bao gồm các chi phí thông thường cần thiết của người được cấp dường như: ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh và các chi phí khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng.
Trường hợp các bên đều không thỏa thuận được cấp dưỡng chung cho người được cấp dưỡng thì yêu cầu Tòa án xem xét và giải quyết quyết định mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn một cách hợp lý giữa thu nhập của người cấp dưỡng những trên tinh thần vẫn bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi theo tình hình kinh tế, điều kiện sinh hoạt như: ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận lại, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng hoặc phương thức hoặc tạm ngừng cấp dưỡng.
Bản án/Quyết định có hiệu lực tính từ thời điểm sau 15 ngày đối với Bản án, 7 ngày kể từ ngày Quyết định mà đương sự phải thực hiện theo quyết định cơ quan Nhà nước. Trường hợp người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành án hoặc thi hành không đầy đủ ảnh hưởng đến quyền lợi các bên thì người được hưởng khoản tiền cấp dưỡng có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đối với bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực. Người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ tới cơ quan thi hành án dân sự cấp quận/huyện nơi người có nghĩa vụ đang cư trú để yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo Bản án và Quyết định đã được tuyên phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đó theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
2. Hồ sơ yêu cầu thi hành án tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn:
- Đơn yêu cầu thi hành án dân sự theo mẫu quy định có đầy đủ nội dung và ký đầy đủ;
- Bản ản/Quyết định có hiệu lực - bản sao;
- Tài liệu hoặc chứng cứ chứng minh người có nghĩa vụ thi hành án đang có tài sản để thi hành như: Công việc hiện tại thì có thể xuất trình bảng lương hoặc đang làm tại đơn vị, tổ chức; tài sản hiện hữu như nhà cửa hoặc xe hoặc tài sản ngân hàng. Trường hợp người yêu cầu không tìm hiểu được các thông tin về tài sản của người được yêu cầu thì có thể làm đơn yêu cầu nhờ sự giúp đỡ từ Chi cục Thi hành án xác minh.
3. Trình tự, thủ tục thi hành án tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu thi hành án chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm bao gồm đơn, cùng các các giấy tờ, tài liệu nêu trên để nộp cho Chi cục Thi hành án dân sự.
Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, ghi nhận vào sổ nhận yêu cầu thi hành án, trả cho người nộp đơn giấy biên nhận đơn và các tài liệu gửi kèm.
Lưu ý: Việc nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện.
Bước 2: Xem xét đơn yêu cầu thi hành án và tài liệu liên quan
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, hồ sơ yêu cầu thi hành án chưa đầy đủ thì cơ quan thi hành án dân sự phải yêu cầu người yêu cầu bổ sung giấy tờ cần thiết, nếu tờ chối yêu cầu thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
Những trường hợp thi hành án dân sự từ chối tiếp nhận hồ sơ gồm: Người yêu cầu thi hành án hiện không có quyền yêu cầu hoặc nội dung yêu cầu không nằm trong nội dung mà bản án/quyết định được tuyên; bản án, quyết định chưa có hiệu lực thi hành tức là phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên; Cơ quan thi hành án dân trong đơn yêu cầu không có đủ thẩm quyền thi hành án; Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Bước 3: Quyết định thi hành án dân sự
Hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án dân sự. Theo đó, người đứng đầu cơ quan thi hành hành án chỉ định cán bộ trực tiếp tiến hành các bước thi hành án dân sự theo quy định pháp luật như: Gửi quyết định thi hành án cho các đương sự; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức cưỡng chế thi hành án và xử lý tài sản; thanh toán tiền thi hành án hoặc giao tài sản; thu phí thi hành án.
Hiện nay hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “a. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn”. Nếu hành vi không cấp dưỡng để lại hậu quả quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cha hoặc mẹ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con còn phải đối mặt với trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, với hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338