Language:

Bình luận Luật Dân sự

Vật tiêu hao và vật không tiêu hao (Điều 112)

Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì, "Vật tiêu hao" là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Còn "Vật không tiêu hao" là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật chia được và vật không chia được (Điều 111)

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì "vật chia được" là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, còn "vật không chia được" là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật chính và vật phụ là gì (Điều 110)

Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Còn Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hoa lợi, lợi tức là gì (Điều 109)

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Còn Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (Điều 108)

Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, quy định về tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai được quy định cụ thể lại Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch; Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản bao gồm: Tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.

Bất động sản và động sản (Điều 107)

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, quy định về bất động sản và động sản được liệt kê tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: Bất động sản được coi là tài sản, gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định pháp luật; Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Đăng ký tài sản (Điều 106)

Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, đăng ký tài sản là việc cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký quyền đối với tài sản cụ thể là quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản... tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Tài sản (Điều 105)

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.