Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Hệ thống hình phạt là các hình phạt do Nhà nước Việt Nam quy định trong Bộ luật Hình sự, được sắp xếp theo một trật tự nhất định dựa trên cơ sở tính chất nghiêm khắc của mỗi loại hình phạt. Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hệ thống hình phạt trong Bộ luật Hình sự bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về hệ thống "Các hình phạt đối với người phạm tội" quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Căn cứ cơ bản để phân biệt hình phạt chính và hình phạt bổ sung là khả năng được áp dụng độc lập của loại hình phạt cụ thể đối với mỗi tội phạm. Đối với mỗi loại hình phạt, pháp luật hình sự quy định nội dung, phạm vi và các điều kiện áp dụng rất cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện được mục đích của hình phạt và tránh sự tùy tiện trong áp dụng hình phạt từ phía cơ quan xét xử là Tòa án. Pháp luật Hình sự quy định rất nhiều hình phạt khác nhau, tùy thuộc vào chủ thể cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội sẽ có hình phạt chính và hình phạt bổ sung khác nhau.
Hình phạt chính:
Hình phạt chính hiện nay gồm có: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; Tử hình.
Hình phạt chính là hình phạt buộc phải áp dụng đối với người phạm tội và được Tòa án tuyên độc lập phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện, về nguyên tắc mỗi tội phạm chỉ có thể tuyên một hình phạt chính.
Như vậy, mỗi tội phạm cụ thể Tòa án chỉ được tuyên một hình phạt chính trong các hình phạt chính được quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong phần các tội phạm, ở mỗi tội phạm được quy định một hay nhiều loại hình phạt chính và Tòa án lựa chọn một trong các hình phạt chính mà điều luật quy định để áp dụng đối với người phạm tội nhưng phải đảm bảo hình phạt này là phù hợp, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm mà người đó đã thực hiện.
Hình phạt bổ sung:
Hình phạt bổ sung gồm có: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Hình phạt bổ sung là hình phạt chỉ được tuyên kèm theo một hình phạt chính đối với mỗi tội phạm mà không được tuyên độc lập. Điều này cần được hiểu là hình phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với một số loại tội phạm và chúng cũng chỉ được tuyên kèm theo với một loại hình phạt chính mà điều luật đó quy định. Việc quy định các hình phạt bổ sung trong Bộ luật Hình sự chính là thực hiện chức năng hỗ trợ cho hình phạt chính, đồng thời thực hiện việc cá thể hóa hình phạt và giúp cơ quan pháp luật căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân người phạm tội cùng những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự có sự lựa chọn loại hình phạt bổ sung áp dụng kèm với hình phạt chính đối với người phạm tội, nhằm đạt được mục đích của hình phạt. Trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự thì phạt tiền và trục xuất vừa được quy định là hình phạt chính và vừa được quy định là hình phạt bổ sung. Bởi vậy trong thực tiễn chỉ được áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, hình phạt trục xuất khi hình phạt chính đối với người phạm tội không phải là hình phạt tiền, hình phạt trục xuất.
Đối với mỗi tội phạm người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Nội dung này cần phải hiểu là nếu không có hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội thì về nguyên tắc cũng không được áp dụng hình phạt bổ sung nào. Đối với người phạm tội thì mỗi tội phạm mà họ thực hiện chỉ bị áp dụng một loại hình phạt chính nhưng có thể bị áp dụng một hay một số loại hình phạt bổ sung.
Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338