Thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho “đất xen kẹt”
Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
“Đất xen kẹt” được hiểu có thể là đất vườn hay đất nông nghiệp mà trước đó không được công nhận là đất ở; những diện tích đất xen kẹt này sẽ nằm trong các khu dân cư hoặc đất phần dôi dư sau quy hoạch hiện do Nhà nước quản lý và có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) dưới dạng giao đất, cho thuê đất.
1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho “đất xen kẹt”
Theo quy định tại khoản 3, Điều 138, Luật Đất đai năm 2024 thì “đất xen kẹt” có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu như đáp ứng các điều kiện sau:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai năm 2024 nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1 tháng 7 năm 2014.
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Ngoài ra cần đáp ứng thêm các điều kiện được quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai để được giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý:
- Thuộc quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đất nhưng chưa giao, đất chưa cho thuê hoặc đất đang giao quản lý quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Luật Đất đai; Không đủ điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai.
- Không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp thửa đất có từ hai người sử dụng đất liền kề trở lên có nhu cầu sử dụng thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt thì căn cứ vào quy hoạch, điều kiện thực tế sử dụng đất của người sử dụng đất liền kề để cơ quan có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất quyết định.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt cho người sử dụng đất liền kề được thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân các cấp đã tổ chức rà soát, công bố công khai và lấy ý kiến của người dân nơi có đất.
Về nguyên tắc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt, Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề. Sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, người sử dụng đất liền kề phải thực hiện thủ tục hợp thửa đất theo quy định.
2. Đất xen kẹt có được chuyển đổi thành đất ở?
Luật Đất đai quy định có nhiều loại đất như đất ao, đất trồng cây lâu năm, trong đó có đất xen kẹt… được phép chuyển đổi sang đất thổ cư (đất ở). Căn cứ điểm b, điểm đ khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai năm 2024 quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm: “b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở”.
Từ quy định trên có thể thấy, việc chuyển đổi đất xen kẹt thành đất ở phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại khoản 5 Điều 116, Luật Đất đai năm 2024, cụ thể: “Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
3. Trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất?
Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 227 Luật Đất đai năm 2024, người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai kiểm tra các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hồ sơ chưa bảo đảm quy định thì hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai. Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất ban hành kèm theo Nghị định số 102/2024/NĐ-CP.
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND (cấp huyện);
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 2: Xử lý, giải quyết yêu cầu
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Hồ sơ chuyển về Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
- Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nếu được chuyển mục đích sử dụng đất thì người dân sẽ nhận được thông báo nộp tiền vào ngân sách nhà nước, trong đó nêu rõ số tiền và hạn nộp);
- Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng;
- Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính;
- Người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bước 3: Trả kết quả
- UBND huyện trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính;
- Khi thực hiện xong các bước ở trên thì cơ quan thẩm quyền sẽ cấp sổ đất xen kẹt cho theo quy định cho từng trường hợp.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338